Chỗ đâu mà ở quài, đất người ta không có ở mấy ông, mấy bà nằm đây coi bộ cũng hơi lâu rồi, nên giờ thôi nhà ai nấy về nha, ai còn gia đình thì lên hốt về, ai không có thì chùa hốt, để chỗ cho dân sang trọng người ta xây chung cư cao cấp.
Ngày xưa nếu gia đình có người thân mất thì cái đất ở phía sau nhà đem xuống mà chôn, mà cất cũng chả ai nghĩ tới chuyện phải thiêu mất xác để còn lấy lại là những khúc xương không còn nguyên vẹn, vì quan điểm của người xưa là người chết vẫn phải để nguyên hình, nguyên dạng thiêu có nghĩa là đốt người ta một lần nữa sẽ làm cho người ta đau đớn và oán hận hơn. Dần dần cuộc sống đô thị hóa tăng cao nên việc lập mộ ở sau nhà chính là một điều bị cấm không còn được thực hiện nữa.
Đối với tại những thành phố lớn những ngôi mộ trong vườn nhà chắc bạn chỉ còn thấy được ở những vùng quê xa xôi nhất là các tỉnh miền tây xen lẫn giữa những vườn cây ăn trái hay sau lưng những ngôi nhà mái ngói 3 gian là hàng dãy mộ những người thân trong gia đình từ ông bà cha mẹ đến con cái không may bệnh nặng qua đời khiến người dân Sài Gòn lâu lâu về lại quê hương đi ngang những lùm cây ân tình rợp bóng mát, lại lấp ló những ngôi mộ mà cảm thấy rét run. Thay cho những ngôi mộ đằng sau nhà là những khu nghĩa địa, nghĩa trang được người dân thành thị tập trung để chôn cất người thân vừa làm đẹp mỹ quan đô thị. Dù là nơi có thể tập trung để dễ kiểm soát cũng như với quan niệm là để những người âm có thể làm hàng xóm của nhau, cùng trò chuyện cùng an ủi nhau ở thế giới bên kia, chứ không làm phiền những người âm, không làm phiền những con cháu đang còn sinh sống trên dương thế.
Nếu nói riêng về thành phố Hồ Chí Minh thì chúng ta có thể nhắc đến khu nghĩa địa Bình Hưng Hòa với các khu Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B, hơn 10.000 ngôi mộ lấp ló sau những bóng cây, sau những rặng cỏ đã tồn tại hơn 50 năm trên mảnh đất Sài Gòn hoa lệ. Đó như là một góc khuất, một nơi riêng biệt dành tặng cho sự an nghỉ cuối đời của những người dân. Còn dân thành phố ở lâu riết quen nên dù xung quanh khu nghĩa trang người dân quận Bình Tân vẫn cảm giác ấm áp và sống rất chan hòa không một chút sợ sệt, không một chút kiêng dè vì nếu sống đàng hoàng mình không đụng họ, họ không đụng mình thậm chí có những nhà còn sống tạm bợ trên những mảnh đất thuộc khu nghĩa trang vừa tìm kế sinh nhai, vừa có thể tận dụng một chút lòng của mình để chăm lo cho những ngôi mộ ở đây nhiều năm không ai thăm viếng.
Rồi những dịch vụ đi kèm như rửa mộ, phát cỏ trong những dịp thanh minh và tết cũng giúp cho họ có nguồn thu nhập tốt sinh sống được trên cả mảnh đất của người âm. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bây giờ tới công nghệ số thì việc người dân đổ về Sài Gòn các thành phố lớn ngày càng đông nên việc bố trí chỗ ở, nơi ở cũng như phân bố dân cư là vấn đề vô cùng nan giải đối với chính quyền thành phố. Đầu tiên phải nói tới là chính sách khuyến khích người dân hỏa táng người thân sau khi mất của mình thay vì thổ táng là lập mộ đã được triển khai hơn 10 năm nay tạo sự đồng thuận trong người dân làm hạn chế số lượng mộ cũng như bảo vệ môi trường. Nếu gia đình nào có đủ tài chính và muốn lưu giữ phần mộ của người thân mình có thể mua những khu đất trong các hoa viên như Đa Phước, Gò Đen thuộc các địa phận ngoại ô Bình Chánh thành phố Hồ Chí Minh hay Long An giáp với thành phố Hồ Chí Minh.
Nơi đó được quy hoạch là nơi an nghỉ dành cho người quá cố nhưng không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của dân cư và thường được sắp xếp cách xa đời sống của người dân vừa tạo không gian thoáng đãng mát mẻ, mà cũng vừa tạo một môi trường tâm linh riêng biệt.
Giai đoạn tiếp theo chính là hiện nay bắt đầu những nghĩa trang được vận động bốc mộ di dời hoặc gửi chùa hoặc thủy táng hoặc có thể đến những khu hoa viên xinh đẹp được bố trí để cải táng mộ, lập mộ mới dành phần đất ở những khu vực trung tâm những khu vực quận huyện đang có tốc độ đô thị hóa cao. Xây dựng những chung cư cao cấp tăng lượng căn hộ để đáp ứng nhu cầu sinh sống của người dân, như ở quận 7, Bình Tân, quận 6 những chung cư cao cấp mọc lên trên những bãi đất từng là nghĩa địa, nghĩa trang dần thay thế và hòa chung với cuộc sống nhịp điệu hối hả hiện đại, như thay màu áo mới cho những nơi ảm đạm một thời. Tuy nhìn thấy có những điều hơi xót xa cho những người nằm xuống nhưng đó là điều kiện tiên quyết để phát triển và cũng để bảo vệ môi trường thay đổi nét văn hóa phù hợp hơn lối sống thời tiền nặng hơn tình.
Những ngôi mộ bốc đi thay bằng chung cư cao cấp thì sẽ không còn những cảnh thăm mộ, viếng mộ, tảo mộ trong những ngày giáp tết cuối năm, sẽ không còn những cảnh rửa mộ rồi gia đình bà con, ông bà con cháu đi thăm những phần mộ người thân ngồi kế bên tâm sự chưng cúng những thức ăn vật phẩm. Rồi đây con cháu sẽ không còn nhớ đến những phần mộ của ông bà cha mẹ mà thay bằng những hũ cốt vô tình nằm trong những ngôi chùa hương khói từ những người xa lạ. Thậm chí có những gia đình sau khi bốc mộ lại thủy táng rãi hết xuống sông, xuống kênh là gần như mất biệt, gần như không còn một chút gì sót lại để chứng minh từng có con người đó tồn tại trên đời, và giá trị nhân nghĩa uống nước nhớ nguồn rồi đây chợt tắt.
Cần lắm những chính sách, cần lắm những kế hoạch và giải pháp để vừa có thể giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân, vẫn phát triển đô thị, vẫn trả lại những mảnh đất vàng mà người nằm nhường cho người sống, nhưng hãy để chúng ta cùng hòa hợp giữa giá trị vật chất với giá trị tinh thần, giữa tài chính và nhân nghĩa, giữ lại được một nét nhân văn hóa biết tổ, biết tiên, biết ông, biết bà, để môi trường sống của chúng ta luôn đúng với câu văn minh hiện đại nghĩa tình.
Xem thêm:
Xem thêm: