Có tiếng rao như lời mẹ tôi, như lời chị tôi giờ đã không còn những lời thân thương đó, không còn cái mộc mạc đó mà là tiếng đều đều không cảm xúc của những chiếc loa ồn ào như hét vào trong mặt.
Những tiếng rao hàng từ xưa đến nay là phương thức quảng cáo, chia sẻ những món hàng của người bán đến người mua, những âm thanh lời rao ngọt ngào truyền từ đầu hẻm tới cuối hẻm từ những xóm nhỏ làng quê đến phố thị thênh thang rộng lớn. Tiếng rao như lời thì thầm chia sẻ nỗi nhọc nhằn, vất vả, bươn chải của từng gánh hàng rong, của từng chiếc xe bán bánh mì, từng quả ngọt trái thơm dưới cái nắng oi ả mùa hè, dưới cái mưa lạnh thấu xương len lỏi vào từng xóm, từng ngách đưa từng món quà vặt đến tay có những đứa trẻ, những cụ già.
Có khi chỉ là cái bánh, trái cóc, bịch me, có khi là một ổ bánh mì không, một gói xôi hay thậm chí là những que kem mà hễ ở đâu nghe tiếng rao thì người dân sẽ biết được lại có một phận người nhỏ bé đang buôn bán một món gì đó. Chỉ cần nghe không cần bước ra để nhìn vẫn biết họ bán gì, giá cả bao nhiêu, nếu là điều đồ hay thứ mà mình cần thì người ta sẽ chạy ra để đón những gánh hàng rong, những chiếc xe đẩy.
Cách rao hàng cũng thật đặc biệt, cũng thật phong cách và mỗi người bán một loại hàng sẽ có cách đặt lời văn, câu từ sao cho thu hút được người mua nhưng vẫn thể hiện đầy đủ thông tin mà món hàng mình đang rao bán. Đôi khi những tiếng rao đó tựa hồ như được đặt để và sắp xếp một cách có chọn lọc, có khi những nhà văn cũng cần phải học hỏi để làm tăng thêm vốn từ ngữ sinh động vừa mang tính vùng miền, vừa mang giá trị đời sống.
Những tiếng rao như “ai chổi đây”, hay “bánh mì Sài Gòn 2000 một ổ”, hay “sương sâm hột é ngọt lịm đường phèn”, hay lời rao sao của cô bán gánh hàng rong cứ ầm ầm mỗi lần vào hẻm hay ăn gì mua nấy, muốn lấy trả tiền vừa vui tai mà lại vừa tạo sức hút nhất là bọn trẻ con cứ loi nhoi bỏ cả bữa ngủ trưa nhảy ra kiếm bịch bánh tráng, cái bánh men hay cục nêm, trái ổi.
Rồi những xe kẹo kéo với tiếng nhạc quen thuộc, những xe kem với tiếng chuông “leng keng” không thể nào quên, đặc biệt hơn nữa là những xe bán gỏi đu đủ với tiếng nhấp kéo “kẹt kẹt” mỗi buổi chiều, tiếng cái cây xúc sắc lắc nghe “rạo rạo” của những ông chú đấm bóp giác hơi đi trong những đêm muộn. Tiếng một cụ già với thâm niên bán bánh tét dạo hơn 30 năm, mà hễ ông phát tiếng rao là cả xóm bật cười, lời rao thăng trầm chỉ với 2 chữ “toét đây, toét đây” người vừa nghe hay đã nghe nhiều lần vẫn cứ bật cười với câu rao đầy ngắn gọn súc tích nhưng lại chua chối với những cái bánh ngon lành.
Còn thời nay khi ra các chợ đi trên những con đường hay vào các ngõ hẻm thì những người bán lại không còn sử dụng lời rao phát ra từ thanh quản với giọng nói trầm bổng được trời phú của mình mà thay bằng những chiếc loa được thu sẵn. Giọng cứ đều đều ầm ầm vang vang không còn đọng lại cảm xúc, cũng như không có thời gian nghỉ hơi giữa những lúc khan họng, khác nước hay không có nhịp nghỉ khi đứng chờ bán cho khách món này, cân cho người món kia.
Dù đang bán hay không bán thì miễn còn điện, còn bình chiếc loa cứ phát “wang wang” nhiều khi đấy không mang hiệu quả còn mang lại tiếng ồn khó chịu gây bức xúc cho người đang an giấc ở những buổi trưa hè.
Những chiếc xe bán hàng rong trên đường thì kéo nhau phát loa ầm ầm, tiếng này chồng tiếng kia không ai còn nghe nó phát cái gì , bán cái gì cứ như 1 đám tạp nham đang chửi lộn làm náo động cả 1 con đường vừa đông xe, vừa đau đầu, nhức óc, lời rao cũng chắc nịt câu từ chèo kéo khách mua với giá cả, bảo đảm chất lượng, được đọc liên tục không ngừng nghỉ, không có thời gian chia sẻ giải thích cho người mua, ai mua thì mua, máy vẫn phát người vẫn ngồi chờ, khách vẫn chạy đi.
Bởi càng hiện đại thì con người ta càng lười, càng thuận tiện thì người ta càng ỷ lại và trong buôn bán cũng vậy, nhất là bán hàng rong người bán luôn cần khách, luôn muốn tiếp cận với nhiều người càng tốt và bán được các loại hàng của mình. Trong đó có nhiều người ưu tiên do thích cách bán hàng mà tìm đến mua giữa muôn ngàn người bán khác.
Tiếng rao hàng không chỉ là một cách quảng cáo mà còn là một thương hiệu riêng của người bán, còn là tâm tư tình cảm mình dành cho gánh hàng, cho cái nghề xuôi ngược đầy vất vả, nhưng cũng đầy niềm vui với từng nụ cười ánh mắt chào nhau khi dừng tiếng rao bán được một món hàng.
Xem thêm:
Xem thêm: